top of page

Cơ hội nào cho cà phê Liberica

Đã cập nhật: 7 thg 6


I. TÓM TẮT


- Biến đổi khí hậu đi kèm tình hình dịch bệnh khiến việc canh tác hai loài cà phê Canephora và Arabica ngày càng thiếu bền vững.

- Loài C. Liberica đã từng bị bỏ quên; nhưng hiện nay đang dần tìm được chỗ đứng xứng đáng bên cạnh Canephora và Arabica.

- Những lời đồn thổi hay nguyên nhân khiến loài C. Liberica chưa được nhìn nhận đúng đắn.

- Tiềm năng và lối đi bền vững cho nhà nông.


II. GIỐNG CÀ PHÊ LIBERICA


Từ trước đến nay, trong hơn 250 loài thuộc chi cà phê (Coffea) thì chỉ có hai loài thực sự được biết đến; trong đó, phổ biến hơn cả là Arabica và Canephora (Robusta) - chiếm hơn 90% sản lượng cà phê toàn cầu. Phần còn lại là những giống loài chưa được phổ biến hoặc đơn giản là chưa được chú ý đến.



Biến đổi khí hậu đang gây căng thẳng và giảm sự bền vững cho hai loại cà phê được yêu thích nhất thế giới.

Các đồn điền cà phê đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ dịch bệnh, hạn hán và điều kiện sinh trưởng kém.

Giá cà phê đã tăng gần gấp đôi trong hai năm qua, phần lớn là do hạn hán và sương giá ở Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Cũng là đối trọng chi phối gần như giá cà phê toàn cầu, cà phê “specialty” cũng không nằm ngoài sự khủng hoảng giá này.


Biến đổi khí hậu khiến phần lớn diện tích đất phù-hợp để trồng cây Arabica và Canephora (Robusta) dần dần bị sụt giảm đáng kể. Đối với các nhà sản xuất ở những khu vực này, đầu tư vào một loại cây trồng (có sức sống) mạnh mẽ hơn dường như đang là ưu tiên hàng đầu, thậm chí là duy nhất



III. CÀ PHÊ LIBERICA VÀ CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Đối với nông nghiệp, chúng ta không có khái niệm chống lại (combating CLIMATE CHANGE) mà phải cần thích nghi (adapting to CLIMATE CHANGE).


Có ba phương án thích nghi với biến đổi khí hậu chính cho canh tác cà phê:

(1) Di dời cà phê đến những vùng có khí hậu phù hợp.

(2) Điều chỉnh các tập quán canh tác cà phê.

(3) Phát triển cây cà phê mới.


Trong số các lựa chọn này, số (3) có khả năng ít gây gián đoạn nhất. Chưa kể, phương án này còn hiệu quả tối ưu về chi phí, thời gian và thành công nhất. Một loài hiện đang được chú ý và quan tâm nhiều hơn chính là cà phê Liberica (C. Liberica). Bằng chứng là số lượng bài báo phổ biến về loài cà phê này trên internet kể từ khoảng năm 2018 ngày càng gia tăng; sự gia tăng ổn định về khả năng bán lẻ (đặc biệt là qua internet) cũng như tần suất xuất hiện trên các cuộc thi pha chế thế giới.




Liberica thậm chí còn được chứng minh có khả năng phục hồi tốt hơn Robusta ở một số khu vực: hệ thống rễ của nó phát triển sâu hơn và có thể phát triển nhiều loại đất khác nhau.

Ta cùng tìm hiểu thêm về lịch sử của Liberica nhé!



IV. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LIBERICA

Trở lại năm 1869, trận dịch Rỉ sắt được xem là đầu tiên đã tàn phá vùng trồng cà phê Sri Lanka (Ceylon cũ) - bấy giờ được xem là một trong những nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đi từ việc xuất khẩu hơn 45 triệu tấn hàng năm với diện tích 160,000 hec-ta đã đột ngột giảm xuống chỉ còn 2,3 triệu tấn.

Điều đó cũng có nghĩa là hơn 150 năm trước, trận dịch này đã thẳng tay quét sạch một đế chế cà phê ở Ceylon, khiến Sri Lanka ngày nay chủ yếu chuyển đổi sang canh tác Trà; đồng thời lại là dấu mốc đáng nhớ cho sự phát triển của C. Liberica.


Khả năng kháng bệnh rỉ sắt của Liberica dẫn đến sự du nhập nhanh chóng trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ 19; Liberica đến Ấn Độ vào năm 1872 và Indonesia vào năm 1875. Ở bán đảo Malaysia, canh tác thương mại bắt đầu vào năm 1880-1890



Trong nửa sau của thế kỷ 19, giữa những năm 1880–1900, Liberica cùng với Arabica trở thành hai loại cà phê chính trong thương mại toàn cầu. Nhờ việc canh tác Liberica, diện tích đất đai có sẵn để sản xuất cà phê đã được nới rộng đáng kể thông qua việc mở rộng vành đai nhiệt đới có độ cao thấp của thế giới, bao gồm cả ở Nam Mỹ, một số the Caribbean Islands, Châu Phi, Quần đảo Ấn Độ Dương (bao gồm ở Madagascar và Seychelles), Châu Á (bao gồm ở Ấn Độ, Malaysia và Java) và Châu Úc




Bởi khả năng sinh trưởng khỏe mạnh, chống lại được bệnh rỉ sắt tốt hơn Arabica và cho năng suất cao, khi chín trái vẫn còn trên cây nên việc thu hoạch đồng loạt một lần trở nên hiệu quả. Đặc biệt, cây Liberica chịu được điều kiện khắc nghiệt ở độ cao thấp hơn từ 0-1000m so với mực nước biển.


Cho đến thời điểm này, Liberica du nhập đến Việt Nam từ đâu và khi nào vẫn chưa có thông tin xác thực; nhưng có một sự thật rằng Liberica cũng đã từng được chú trọng ở Việt Nam, cụ thể diện tích canh tác loài cà phê này trong một giai đoạn đã được trải dài từ Quảng Trị đến Gia Lai, Lâm Đồng.


Hiện nay, Liberica không còn được sản xuất rộng rãi như Arabica và Robusta ở Việt Nam như trước. Tại sao lại xảy ra sự thay đổi này thì chúng ta cùng tìm hiểu nha.




V. LIBERICA LÀ GÌ ?


C. Liberica (Coffea Liberica) là một loài cà phê, bên cạnh Arabica và Canephora (Robusta). Trong loài C. Liberica chúng ta có các nhánh giống cà phê nhỏ như:


- C. liberica var. liberica:


Khoảng năm 1870, Liberica được lấy từ Liberia ở Tây Phi và được trồng ở những nơi khác trên thế giới. Liberica được tìm thấy và phát triển trước hơn cả C. Cenaphora. Ban đầu, Liberica được cho là một đối thủ tiềm năng của Arabica.

Một số cây Liberica vẫn tồn tại trong tự nhiên cho đến nay. Sau hơn 120 năm tương đối mù mờ, thế giới cà phê đang bắt đầu khám phá lại giống cà phê Liberica.


- C. liberica var. dewevrei (Excelsa)


Coffea dewevrei và Coffea excelsa, lần lượt được mô tả là loài mới vào năm 1899 và 1903, và được đặc biệt chú ý. Từ những năm 1940 trở đi, các nhà phân loại học và hệ thống học đã công nhận nó là một giống thực vật thuộc loài C. Liberica; nhưng đến năm 2006, Excelsa mới chính thức được phân loại lại thành giống dewevrei của loài liberica tức là C. liberica var. dewevrei (excelsa).

Excelsa được mô tả có trái nhỏ hơn, năng suất cao hơn cũng như hương vị có phần thay đổi với C. liberica var. liberica.


Vậy từ đây chúng ta sẽ gọi chung loài C. Liberica nhé




VI. ĐẶC ĐIỂM HƯƠNG VỊ CÀ PHÊ LIBERICA


- Loài Liberica nói chung và Excelsa nói riêng được khẳng định rằng mang trong mình hương vị gần với Arabica hơn cả, và khác hoàn toàn Robusta. Chứng tỏ về tiềm năng của C. Liberica về chất lượng là hoàn toàn có thể.

- C. Liberica chứa ít caffein hơn Arabica và ít hơn rất nhiều so với Canephora; C. Liberica mang trong mình ít vị đắng, vị chua nhẹ nhàng và độ ngọt vượt trội khi so sánh cùng Arabica hay Canephora.


Năm 2021, C. Liberica được mang lên sàn thi đấu thế giới trong cuộc thi World Barista Champion và xếp thứ hạng top 3 bởi Hugh Kelly. Đúng vậy, C. Liberica ngày càng được thế giới lùng sục và săn đón hơn bao giờ hết.


VII. KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CỦA CÀ PHÊ LIBERRIC (*).


- Dùng trong kỹ thuật ghép gốc cây trồng cà phê: Liberica có khả năng kháng tuyến trùng cao (sâu đất), gây hại cho rễ. Đồng thời, do kích thước đáng kể và tăng trưởng tốt, Arabica thường được ghép vào gốc của cây Liberica để tăng khả năng sinh trưởng. Đặc biệt ở Mexico, Maragogypes thường được ghép vào các dòng Liberica vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để đạt được năng suất cao hơn và khả năng kháng sâu cao hơn (đặc biệt là ấu trùng rễ).


Về hương vị, loại Maragogype ghép này cũng mang lại trải nghiệm hương vị đặc biệt, vì chủng Liberica với bộ rễ khỏe mạnh dẫn đến sự hình thành mạnh mẽ hơn các mùi thơm “fat-soluble” và tương tự như vậy hình thành cảm giác ngon miệng (mouthfeel/body) trong cốc cũng tăng lên. Ngoài ra độ ngọt của cốc cũng tăng lên đáng kể.




- Liberica miễn dịch với bệnh hemileiavastatrix (bệnh rỉ sắt cà phê), hiện đang gây ra vụ mùa thất bát trên khắp thế giới. Có lẽ thực tế này sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận mới về Liberica trong canh tác cà phê, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.


Hình ảnh: kỹ thuật ghép gốc Liberica cùng ngọn THA1 Việt Nam


- C. Liberica có thể canh tác được ở độ cao rất thấp, nơi mà có thể Canephora (Robusta) cũng khó có thể phát triển mạnh mẽ.


- C. Liberica là một cánh cửa thần kì, có thể giúp nhà nông duy trì hoặc chuyển đổi canh tác trong sự biến đổi tiêu cực của khí hậu.


VIII. LIBERICA LÀ CÀ MÍT, VÌ SAO?


Khi nhắc đến Liberica, nhiều người trong chúng ta vẫn thường 'bất giác' gọi đấy là ''cà phê mít'' do lời đồn về hương vị của giống cà phê này đem đến. Và phải chăng, hương vị mít này vô hình trung gây ra một ảnh hưởng tiêu cực cho C. Liberica?


Trong cuốn Liberica coffee: It’s history and its cultivation của G. A. Cruwell năm 1878 có một đoạn đề cập đến hình dáng của cây C. Liberica như sau:

''In nearly every case, however, the first impression received from looking at a young plant of Liberica coffee is that we have before us a specimen of a variety of Jak tree with gigantic, dark-coloured leaves.''


Ở đây có thể hiểu rằng, điểm ấn tượng đầu tiên của cây cà phê C. Liberica là hình thái của cây rất giống cây mít, chứ không phải đến từ hương vị của C. Liberica là mít.


Vậy tại sao lại xảy ra và tồn tại rất lâu sự ví von nhầm lẫn này?



Quay trở lại đặc điểm của trái cà phê C. Liberica. Trái có một lớp vỏ rất dày, có vị đắng và mùi thơm nồng. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm khiến cây chống lại các loại côn trùng rất mạnh mẽ. Theo đó là một lớp thịt chứa rất nhiều đường bên trong lớp vỏ dày kia. Lớp vỏ dày vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm.

Lớp vỏ dày khiến cho quá trình lên men của trái cà phê mít diễn ra rất chậm và cũng rất khó để quan sát từ bên ngoài.


Đối với các phương pháp lên men hiện đại, chúng ta chỉ đo được pH từ nước (coffee juice) quá trình lên men nhưng lớp vỏ dày là điều khiến cho quá trình đó rất khó để kiểm tra. Khiến việc lên men cà phê mít khó kiểm soát điểm dừng.


C. Liberica hiện không được thu mua, dẫn đến các nông hộ thu hái C. Liberica và không quan tâm nhiều đến sơ chế cà phê đúng đắn, những trái cà phê được thu hái sau đó để phơi tự nhiên rất lâu ngày do lớp vỏ dày, khiến cho các mẻ sơ chế rất dễ bị lên men quá (over fermented). Sinh ra những vị tiêu cực như mọi người thường mô tả khi nghe đến cái tên C. Liberica là: mít, thum thủm, …


Nhưng xin khẳng định rằng, nếu Canephora (Robusta) hay Arabica lên men quá (over fermented) thì những hương vị tiêu cực kia vẫn sẽ xuất hiện tương tự.


Vậy chúng ta đã nhìn nhận đúng về chất lượng của Liberica chưa khi chúng ta chưa thực sự hiểu về đặc điểm của C. Liberica cũng như sơ chế phù hợp. Chúng ta có nên cho C. Liberica một cơ hội? Bởi đây cũng chính là cơ hội để nhà nông có thể có thêm thu nhập từ chính cây C. Liberica này.




IX. THỰC TRẠNG LIBERICA

Thực trạng về cây C. Liberica trên thế giới lẫn ở Việt Nam đang bị bỏ ngỏ rất nhiều vì những bất cập có thể thấy được như:


- Cây có chiều cao lớn, gây khó khăn và chi phí nhân công thu hái.

- Sản lượng thu hoạch vẫn thấp hơn Robusta tại các vùng canh tác trọng điểm.

- Hao hụt trong khâu sơ chế, để đạt được thành phẩm 1kg cà phê nhân C. Liberica thường tiêu tốn 7-10kg cà phê tươi thay vì 5-6kg với Arabica và 4-5 kg của Robusta.

- C. Liberica chưa tìm được đầu ra do những nhận định sai lầm về chất lượng cũng như thị trường chưa chấp nhận

- C. Liberica thường được trộn với Canephora (Robusta) nếu muốn bán ra thị trường.

- Chỉ được đánh giá là cây trồng che gió, cây hàng rào.


Nhưng Liberica có sức sinh trưởng rất khoẻ dù không được chăm sóc, hay bón phân. Và chắc chắn không cần sự trợ giúp từ thuốc hoá học khi canh tác.




X. KẾT LUẬN

Cần nhiều hơn sự công nhận của người tiêu dùng, người rang xay, người sản xuất để loài Liberica tìm lại được chỗ đứng xứng đáng của mình bên cạnh Canephora (Robusta) và Arabica.


Việc giới thiệu và mở rộng quy mô của Liberica, và sau đó là Canephora (Robusta), là phản ứng đối với sự tàn phá lớn do dịch bệnh rỉ sắt lá cà phê gây ra vào cuối thế kỷ 19. Mức độ và cường độ của các vấn đề liên quan đến khí hậu, có lẽ liên quan đến các vấn đề về sâu bệnh, vì các tác nhân gây gián đoạn chuỗi cung ứng đối với Arabica và Canephora (Robusta) có thể là những yếu tố chi phối chính trong sự tái xuất hiện của Liberica (bao gồm cả excelsa) như một thị trường chính các loài cây trồng.


Bất chấp ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê trên toàn cầu, chúng ta sẽ cần chủ động trong việc phát triển và thiết lập các loài cây trồng cà phê thay thế, có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu thay đổi rõ rệt. Cà phê Liberica và Excelsa có thể cung cấp một phần sự đa dạng hóa cần thiết để đạt được mục tiêu này.





REF:

The re-emergence of Liberica coffee as a major crop plant

519 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page