Phần 2: HỢP TÁC XÃ BỀN VỮNG.
Đối với Every Half, tình yêu với cà phê không đơn thuần nằm ở hương vị của một tách espresso, latte nóng hay cà phê sữa đá quen thuộc, mà còn là tình yêu với mảnh đất đầy nắng gió được chăm sóc bởi bàn tay người nông dân.
Càng gắn bó với đời sống nông trại, tụi mình càng trăn trở và thôi thúc hành động. Như việc trở thành một phần của các hợp tác xã cà phê, đồng hành trực tiếp cùng các nông hộ ngay từ những bước đầu của chuỗi cung ứng với niềm tin về những mùa vụ cà phê bội thu: đảm bảo sinh kế cho người dân và chất lượng hạt cà phê nhân xanh tốt đồng đều.
Sau bài viết trước về Nhà rang bền vững, hôm nay hãy cùng tụi mình quay về khởi nguồn nơi những cây cà phê được trồng trọt, chăm sóc để khám phá hành trình vừa gian nan nhưng cũng đầy hi vọng của một Hợp tác xã bền vững nhé!
𝟭. 𝗛𝗼̛̣𝗽 𝘁𝗮́𝗰 𝘅𝗮̃ 𝗹𝗮̀ 𝗴𝗶̀?
Hợp tác xã là mô hình tổ chức kinh tế tồn tại song song cùng với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Về mặt chữ nghĩa, có thể hiểu hợp tác xã chính là hợp tác xã hội để mang lại lợi ích cho nhau.
Theo Luật Hợp tác xã 2023, hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững.
Các hợp tác xã cà phê tuy có quy mô khác nhau nhưng sẽ đều hoạt động trên những nguyên tắc giống nhau: các nông hộ nhỏ hoặc những nhà sản xuất hợp tác cùng nhau để thúc đẩy khả năng tiếp cận với các nguồn lực, trang thiết bị, người tiêu dùng. Các thành viên tham gia sẽ đóng góp một khoản phí vào quỹ chung và phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy tắc đã được đặt ra của hợp tác xã.
Đây là mô hình rất được khuyến khích vì tạo ra được nhiều việc làm cho người nông dân, góp phần vào việc ổn định xã hội.
𝟮. 𝗦𝘂̛̣ 𝗻𝗼̂̉𝗶 𝗹𝗲̂𝗻 𝘃𝗮̀ 𝘃𝗮𝗶 𝘁𝗿𝗼̀ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗺𝗼̂ 𝗵𝗶̀𝗻𝗵 𝗵𝗼̛̣𝗽 𝘁𝗮́𝗰 𝘅𝗮̃ 𝗰𝗮̀ 𝗽𝗵𝗲̂.
HTX cà phê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành cà phê nói chung trong thế kỷ 20 và 21. Ở Việt Nam, mô hình hợp tác xã cà phê bắt đầu được nhen nhóm từ cuối năm 2010 tính đến nay đã phát triển được 13 năm.
Sự xuất hiện và nổi lên của mô hình hợp tác xã đến từ việc ý thức được việc cần phải cải thiện các tiêu chuẩn về tính bền vững trong sản xuất cà phê. Bằng cách áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường hơn và trao quyền cho các hộ sản xuất nhỏ theo nhóm thông qua giáo dục, tài chính và trang thiết bị chuyên dụng, sẽ thúc đẩy sự thay đổi một cách nhanh chóng hơn.
Mô hình hợp tác xã có tác động tới cách cà phê được bán ra. Bình thường, không phải nông hộ riêng lẻ nào cũng có đủ nguồn lực để hoạt động độc lập. Các nông hộ nhỏ thường không sản xuất đủ sản lượng để thu hút người mua như nhà rang, nhà giao dịch, xuất nhập khẩu,.. Do đó họ buộc phải bán cà phê đạt chất lượng specialty ở mức giá C-market trên cơ sở chất lượng bù số lượng. Trong khi đó với mô hình hợp tác xã, sản lượng cà phê sẽ nhiều hơn và chất lượng cà phê sẽ được phân loại rõ ràng hơn theo từng mức giá khác nhau. Điều này tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nông dân.
Khả năng hỗ trợ các nông hộ nhỏ cải thiện nên lợi tức đầu tư cao hơn. Các hợp tác xã có thể nhập được phân bón hay các trang thiết bị dùng trong sản xuất ở số lượng lớn để có thể có giá mua và giá bán lại cho các thành viên thấp hơn.
Đặc biệt, trước tình hình canh tác cà phê đang đối mặt với rất nhiều thách thức như biến đổi khí hậu toàn cầu, giá cà phê biến động,.thì mô hình hợp tác xã xuất hiện như một vị cứu tinh cho nông nghiệp nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng.
𝟯. 𝗧𝗶𝗲̂𝘂 𝗰𝗵𝗶́ 𝗵𝗼𝗮̣𝘁 đ𝗼̣̂𝗻𝗴 𝗰𝘂̉𝗮 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝗛𝗼̛̣𝗽 𝘁𝗮́𝗰 𝘅𝗮̃ 𝗯𝗲̂̀𝗻 𝘃𝘂̛̃𝗻𝗴.
Theo ICA (International Cooperative Alliance) Liên minh hợp tác xã quốc tế, nói đến Hợp tác xã chính là bàn về tính bền vững. Họ công nhận rằng: hợp tác xã là những doanh nghiệp có tính bền vững cao, kết hợp sức khỏe tài chính, mối quan tâm về môi trường và mục đích xã hội.
Với tư cách là doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm, ICA tin tưởng hợp tác xã có thể là mô hình kinh doanh được ưa chuộng vào năm 2020 trên toàn thế giới. Số liệu thực tế hiện nay cũng đã chứng minh dự đoán đấy là chính xác.
Vậy để xây dựng mô hình hợp tác xã bền vững thì cần dựa vào những tiêu chí nào?
* 𝗠𝗼̂𝗶 𝘁𝗿𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴 𝘃𝗮̀ 𝗵𝗲̣̂ 𝘀𝗶𝗻𝗵 𝘁𝗵𝗮́𝗶: để đi vào hoạt động, trước hết các Hợp tác xã cần phải chú trọng đến trạng màu mỡ của đất trồng, sử dụng phân bón hữu cơ thay vì phân bón hoá học. Việc trồng xen canh hay sử dụng hệ thống cây che bóng cần được ưu tiên để duy trì tính đa dạng của sinh học. Ngoài ra, trước tình hình biến đổi khí hậu, sụt lở đất và sâu bệnh, cần phải tập trung phát triển những giống cà phê chống chọi được với biến đổi khí hậu (như Every Half là Starmaya, Liberica, Robusta chất lượng cao,..) để đảm bảo sản lượng và chất lượng.
* 𝗫𝗮̃ 𝗵𝗼̣̂𝗶: Không chỉ tập trung nâng cao kiến thức trong việc trồng trọt sản xuất cà phê, Hợp tác xã còn tạo ra giá trị sinh kế cho đời sống hàng ngày của nông hộ và không quên đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
* Đ𝗮 𝗱𝗮̣𝗻𝗴 𝗵𝗼́𝗮: không chỉ gói gọn trong cà phê, HTX còn có thể hỗ trợ tiêu thụ hoặch hỗ trợ những nông sản từ mô hình trồng xen canh.
* 𝗤𝘂𝗼̂́𝗰 𝘁𝗲̂́ 𝗵𝗼́𝗮: Hạt cà phê ở Hợp tác xã bền vững đều được kiểm soát và đảm bảo đạt chất lượng xuất khẩu bao gồm cả quá trình giao dịch từ thu hoạch đến giao hàng. Quá trình trồng trọt, sơ chế, rang xay và thử nếm đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của SCA (hiệp hội cà phê đặc sản quốc tế).
* Đ𝗼̂̉𝗶 𝗺𝗼̛́𝗶: Sử dụng công nghệ để tăng tính truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain technology); đơn giản hóa xuất nhập khẩu và phân tích thị trường bằng công nghệ Internet of Things, trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng Cargoo,..định lượng tác động tới môi trường của các sản phẩm cà phê bằng hệ thống theo dõi vệ tinh như Trade in Space, Global Risk Assessment Services; đối phó với biến đổi khí hậu bằng phát triển các giống cà phê trồng trong phòng thí nghiệm.
* 𝗧𝗵𝗶̣ 𝘁𝗿𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴 𝗱𝗼̣𝗰: Ở các Hợp tác xã, việc giao dịch mua bán cà phê sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn so với việc các nông hộ tự hoạt động như trước. Từ đó, Hợp tác xã cũng dần dần trở thành nhà cung cấp cho các khách hàng hay thu hút được thêm các nhà đầu tư chuyên biệt.
* 𝗠𝗼̛̉ 𝗿𝗼̣̂𝗻𝗴 𝘃𝗲̂̀ 𝗺𝗮̣̆𝘁 đ𝗶̣𝗮 𝗹𝘆́: Khi một Hợp tác xã ngày càng phát triển bền vững hơn, mối quan hệ giữa thành viên sẽ ngày càng chặt chẽ. Từ đó dễ dàng tạo ra tính liên kết với các nông hộ khác để mở rộng quy mô Hợp tác xã và các Hợp tác xã với nhau.
* 𝗧𝗶́𝗻𝗵 𝗺𝗶𝗻𝗵 𝗯𝗮̣𝗰𝗵:hệ thống Hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đến mỗi một nông hộ. Các thành viên trong hợp tác xã đều được đào tạo chuẩn quy trình sản xuất và minh bạch giữa các thành viên với nhau, minh bạch chất lượng và thông tin cà phê với khách hàng.
* 𝗤𝘂𝗮̉𝗻 𝗹𝘆́ 𝘁𝗮̀𝗶 𝗰𝗵𝗶́𝗻𝗵: Lên kế hoạch hoạt động cụ thể bằng cách phân tích hiệu quả tài chính trong quá khứ, hiện tại và tương lai dựa trên 3 yếu tố: thời gian, tiền bạc và rủi ro.
𝟰. 𝗖𝗵𝗮̣̆𝗻𝗴 đ𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴 đ𝗼̂̀𝗻𝗴 𝗵𝗮̀𝗻𝗵 𝗰𝘂̉𝗮 𝗘𝘃𝗲𝗿𝘆 𝗛𝗮𝗹𝗳 𝗰𝘂̀𝗻𝗴 𝘃𝗼̛́𝗶 𝗰𝗮́𝗰 𝗵𝗼̛̣𝗽 𝘁𝗮́𝗰 𝘅𝗮̃.
- 𝗛𝗼̛̣𝗽 𝗧𝗮́𝗰 𝗫𝗮̃ 𝗠𝗶𝗻𝗵 𝗗𝘂𝘆 (Đ𝗶𝗲̣̂𝗻 𝗕𝗶𝗲̂𝗻): dẫu mới thành lập, nhưng HTX Minh Duy đang dần trở thành hình mẫu cho các xưởng sản xuất cà phê chất lượng cao tại địa phương, cụ thể là huyện Mường Ảng. Huyện duy nhất tập trung canh tác cà phê ở tỉnh Điện Biên.
Every Half hân hạnh được đồng hành cùng HTX Minh Duy, để cùng nhau xây dựng vườn ươm các giống cà phê mang tính bền vững để hỗ trợ nhà nông trong bước đầu canh tác. Cũng như xây dựng quy trình sơ chế cà phê ngày càng tiên tiến và nâng cao chất lượng hơn.
- 𝗛𝗼̛̣𝗽 𝗧𝗮́𝗰 𝗫𝗮̃ 𝗰𝗮̀ 𝗽𝗵𝗲̂ 𝗩𝗡 (𝗟𝐚̂𝗺 Đ𝗼̂̀𝗻𝗴): là một trong những thành viên của HTX cà phê VN, Every Half cùng các thành viên mang theo mong muốn được phát triển tập trung về cà phê Robusta, không chỉ về chất lượng, sản lượng mà còn mong muốn mang hình ảnh cà phê Robusta của địa phương, và xa hơn là của Việt Nam đi ra thế giới. Để Robusta có một chỗ đứng xứng đáng trong thị trường.
Dù đây chỉ là những bước đầu, hai HTX đều còn non trẻ và đang trên con đường xây dựng nhưng những gởi gắm của Every Half vào mô hình này mong rằng nông nghiệp bền vững hay Nhà Rang bền vững ngày càng được quan tâm và nhân rộng!
𝟱. 𝗧𝗮̂̀𝗺 𝗾𝘂𝗮𝗻 𝘁𝗿𝗼̣𝗻𝗴 𝗰𝘂̉𝗮 𝗛𝗼̛̣𝗽 𝘁𝗮́𝗰 𝘅𝗮̃ 𝗯𝗲̂̀𝗻 𝘃𝘂̛̃𝗻𝗴.
Vào Ngày Quốc tế Hợp tác xã năm 2013, Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế đã nói rõ ràng Liên Hợp Quốc coi mô hình hợp tác xã là chìa khóa để tạo ra sự bền vững trong kinh doanh toàn cầu: “khi sự chú ý toàn cầu tập trung vào thách thức phát triển bền vững, các hợp tác xã phải đóng vai trò là doanh nghiệp sáng tạo mở rộng sang các lĩnh vực mới”.
Các hợp tác xã cà phê đóng một vai trò quan trọng trong ngành cà phê bằng cách thúc đẩy tính bền vững, thực hành công bằng và phát triển cộng đồng.
* Đ𝗼̂́𝗶 𝘃𝗼̛́𝗶 𝗻𝗼̂𝗻𝗴 𝗻𝗴𝗵𝗶𝗲̣̂𝗽 𝘃𝗮̀ 𝗻𝗼̂𝗻𝗴 𝗱𝐚̂𝗻
Từ những nông hộ nhỏ lẻ xa lạ, liên kết với nhau trở thành một cộng đồng gọi là Hợp tác xã để chia sẻ kiến thức và cùng nhau giải quyết những vấn đề phức tạp của nông nghiệp bền vững, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh giữa người trồng và môi trường.
Trở thành thành viên của hợp tác xã cà phê mang lại cho nông dân nhiều lợi ích. Nó mang lại sức mạnh tập thể, cho phép họ đàm phán giá tốt hơn cho sản phẩm của mình. Thông qua các nguồn lực và kiến thức được chia sẻ, nông dân trong hợp tác xã có thể thực hiện các biện pháp canh tác bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, các hợp tác xã thường tạo điều kiện tiếp cận thị trường thương mại công bằng, đảm bảo rằng nông dân nhận được đền bù công bằng cho những nỗ lực của họ. Ví dụ như mùa vụ năm tới giá cà phê sụt giảm thì thu nhập của nông dân vẫn được đảm bảo bằng một khoản tiền bảo hiểm hoặc từ giá cơ sở dựa trên Hợp đồng tương lai.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc trở thành thành viên của hợp tác xã còn nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, cho phép nông dân hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn.
Khi các phương pháp khoa học công nghệ được áp dụng, cây cà phê được trồng theo hình thức che bóng, chăm sóc bằng phân bón hữu cơ cùng với việc cải tạo nghiên cứu các giống cà phê sinh trưởng tốt, chống chọi sâu bệnh, thì sẽ không còn những rẫy cà phê già cỗi kém năng suất hay vùng đất bạc màu do các chất hoá học tác động nên. Tình trạng thương lái đến các rẫy cà phê để ép giá nông hộ sẽ không còn tồn tại, kế sinh nhai của bà con nông dân sẽ càng ngày càng cải thiện.
Khi thu nhập bền vững, nông hộ sẽ càng có thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục hành trình bền vững với Hợp tác xã cà phê của họ. Không chỉ thế, kiến thức và tư duy của người nông dân cũng ngày càng được mở mang, tiếp cận với công nghệ khoa học hiện đại, đời sống tinh thần cũng có thể xem là bước sang một trang mới. Văn minh và tiến bộ hơn.
* Đ𝗼̂́𝗶 𝘃𝗼̛́𝗶 𝗸𝗵𝗮́𝗰𝗵 𝗵𝗮̀𝗻𝗴 𝘃𝗮̀ 𝘁𝗵𝗶̣ 𝘁𝗿𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴
Khi các cây cà phê được phát triển ở các Hợp tác xã bền vững đồng nghĩa với chất lượng của nhân xanh ngày càng được nâng cao, ổn định ở quy mô lớn, được trồng và sản xuất an toàn, minh bạch. Nhờ đó, khách hàng là các nhà rang, nhà giao dịch thậm chí là xuất khẩu sẽ được mua các hạt cà phê chất lượng cao, thậm chí vượt trội.
Đặc biệt, khi nhà rang - ở đây là Every Half trực tiếp tham gia vào các Hợp tác xã sẽ hỗ trợ được chi phí đáng kể khi nhập cà phê nhân xanh. Tối ưu về nguyên liệu đầu vào không chỉ khiến cốc cà phê cuối đưa đến tay khách hàng mỗi năm một ngon hơn, mà còn giúp khách hàng an tâm phần nào về giá cả. Bởi vậy, dù năm nay thị trường cà phê có biến động thì giá tiền mà các bạn chi trả cho cốc cà phê vẫn ổn định. Tụi mình sẽ cố gắng hết sức để mong sao, người nông dân được mùa và khách hàng luôn ‘dễ dàng’ có cà phê ngon.
Khi sử dụng hạt cà phê bắt nguồn từ Hợp tác xã bền vững, khách hàng hãy tin tưởng vào cam kết của hợp tác xã đối với trách nhiệm xã hội và môi trường. Khi đó, câu chuyện về hạt cà phê đã vượt ra ngoài một cốc cà phê, mà đấy còn là hạt cà phê nuôi sống bao gia đình nông dân, hạt cà phê chắp cánh cho giấc mơ của thế hệ tương lai, về nông nghiệp bền vững.
Nội dung có thảm khảo từ:
Breaking down the business of coffee cooperatives
CÔNG BÁO/Số 861 + 862/Ngày 29-7-2023 3 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc LUẬT HỢP TÁC XÃ Căn cứ Hiến pháp n
What Is a Coffee Cooperative & How Does It Support Producers? - Perfect Daily Grind
Financial Management Practices and Coffee Cooperatives Performance in Ethiopia with Mediation of Human Capital
How can technology support the future of coffee production? - Perfect Daily Grind
Business history and challenges for coffee cooperatives in Brazil: The case of Cooxupé Cooperative
(PDF) Factors Influencing Coffee Farmers’ Decisions to Join Cooperatives
Do Coffee Farmers Benefit in Food Security from Participating in Coffee Cooperatives? Evidence from Southwest Ethiopia Coffee Cooperatives - Zekarias Shumeta, Marijke D’Haese, 2018
Impact of cooperatives on smallholder coffee producers in southwest Ethiopia
Assessing Diversification, Food Security, and Dietary Diversity with Organized Smallholders in Nicaragua
The role of cooperatives in sustainable development goals: A discussion about the current resource curse
コメント